TRANSLATE |

Công nghệ SIP đã có mặt trên thị trường Việt Nam
15/03/2008

Bắt đầu từ những nước có ngành công nghệ thông tin phát triển, sau hơn một nửa thập kỷ ra đời, đến nay những ứng dụng công nghệ SIP đã lan rộng toàn cầu, góp phần xã hội hoá ngành viễn thông thế giới.

Ứng dụng trong ngành công nghệ toàn cầu

SIP - Giao thức khởi tạo phiên (Session Initiation Protocol) là một giao thức báo hiệu được sử dụng để thiết lập các phiên trong mạng IP, một phiên có thể đơn giản là một cuộc gọi điện thoại 2 chiều, một thông báo danh sách các tin nhắn hoặc một hội nghị sử dụng truyền thông đa chiều.

Về đặc điểm, chuẩn SIP có nhiều nét tương đồng với chuẩn H.323, một giao thức ra đời trước. Cả hai đều có khả năng thiết lập và truyền tín hiệu các cuộc gọi trong mạng Internet. Tuy nhiên, khác với H.323, SIP là một giao thức ngang hàng nên nó có thể xử lý được thông tin trong cấu trúc mạng phức tạp, điều này không thể có được ở các mạng ứng dụng chuẩn H.323.

Được xem là một giải pháp có thể sử dụng đơn giản, nhẹ nhàng cho việc tạo và kết thúc các kết nối truyền thông tương tác theo thời gian thực trên mạng IP nên  kể từ khi bộ phận chuyên trách công nghệ Internet (Internet Engineering Task Force) công bố SIP năm 1999, hàng trăm nhà sản xuất đã bắt đầu bán máy chủ và điện thoại có tính năng SIP. Microsoft cũng hỗ trợ sẵn tính năng này trong Windows XP. Đặc biệt, vài năm gần đây, cộng đồng VoIP đã xem SIP như một giao thức lựa chọn cho việc truyền tín hiệu qua Internet, giao thức này vẫn tiếp tục được phát triển và mở rộng cùng với sự phát triển ngành công nghệ. Không còn nghi ngờ gì nữa, các sản phẩm ứng dụng chuẩn SIP đang ngày càng phát triển mạnh.

SIP được thiết kế là một thành phần quan trọng của mạng IP tích hợp dữ liệu và thoại. Ví dụ, các công ty có thể tiết kiệm chi phí khi chạy một đường dây duy nhất đến máy tính để bàn dùng IP (thay cho đường dây thứ hai cho điện thoại truyền thống) và cho phép máy tính làm việc như điện thoại mềm để người dùng có thể thực hiện cuộc gọi bằng cách nhấn chuột lên các phím số hoặc tên của người cần gọi trong niên giám trên PC. Tên này được nối kết với một địa chỉ SIP URL, gửi một thông điệp vào mạng. Sau đó, khi kết nối được thiết lập, người dùng điện thoại mềm có thể giao tiếp qua tai nghe-nói nối với máy tính.

Bên cạnh ứng dụng trong điện thoại Internet, hiện nay giao thức SIP cũng đang được ứng dụng rất rộng rãi trong thương mại điện tử. Là giao thức dựa trên HTTP, SIP cung cấp khả năng tích hợp một cách dễ dàng tiếng nói với các dịch vụ Web khác, cho phép truyền thông đa phương tiện như hội nghị truyền hình và trò chuyện trực tuyến, điều này làm phong phú thêm các Website thương mại điện tử. SIP đã giúp thay đổi bộ mặt của thương mại điện tử bằng cách cung cấp cho các khách hàng trên mạng nhiều cơ hội tiếp cận tới thông tin bảo đảm theo cách hấp dẫn họ nhất. Một khi đã truy nhập vào Website, một người đi mua sắm có thể dễ dàng kích vào một biểu tượng điện thoại để liên lạc với trung tâm truyền thông dựa trên giao thức Internet. Thông qua SIP, máy tính của người sử dụng sẽ liên lạc với gateway (cổng nối) VoIP tại đầu của nhà cung cấp. Tại đây, có một bộ định tuyến hoạt động như một gateway truyền thông, với tất cả các chức năng chuyển mạch và xử lý cuộc gọi được thực hiện qua các gói dữ liệu. Một máy chủ độc lập được sử dụng để quản lý kiểm soát cuộc gọi. Trong trường hợp các site với nhiều trung tâm thoại, máy chủ này cung cấp một sự kiểm soát đơn giản và tập trung đối với các dòng dữ liệu VoIP. Ngoài ra, một máy chủ truyền thông có thể được sử dụng để cung cấp âm nhạc, các thông báo và chức năng tương tác dựa trên giọng nói (IVR). Các trung tâm thoại trên nền IP như vậy cung cấp một kiến trúc linh hoạt và có thể mở rộng phạm vi được trong việc định tuyến cuộc gọi. Tuỳ thuộc vào quy mô của nhà cung cấp, các trung tâm thoại có thể được thiết lập ở các khu vực địa lý khác nhau cùng với một máy chủ kiểm soát cuộc gọi đặt ở tổng hành dinh và các máy chủ truyền thông khác.

SIP đã có mặt tại Việt Nam

Theo đánh giá của giới phân tích thì SIP có vị trí vững vàng và là chọn lựa về giao thức cho mạng không dây cũng như điện thoại thế hệ thứ ba (3G). Hơn nữa, Cisco và những nhà sản xuất thiết bị tổng đài IP đang đưa SIP vào phần cứng, các nhà sản xuất cổng nối (gateway) cũng đang bổ sung nó vào nhân mạng (kernel). Microsoft, Yahoo và America Online đã đưa SIP vào tin nhắn.

Công ty viễn thông hàng đầu thế giới WorldCom cho biết họ đã mở hẳn một ngành kinh doanh cho SIP. Thực tế, công ty đang làm việc với Microsoft trên bản beta của Windows XP Server để hỗ trợ SIP.

Tại Việt Nam, chuẩn SIP mới được đưa vào ứng dụng trong dịch vụ điện thoại Internet quốc tế kể từ cuối năm 2005. Tiên phong cho ứng dụng này là dịch vụ Voice777 của Trung tâm Viễn thông Thế hệ mới Việt Nam với nhiều tính năng vượt trội đã tạo nên một làn sóng trong ngành viễn thông nước nhà. Năm 2006, Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) và Saigon Postel cũng đang đầu tư công nghệ và đường truyền để cho ra đời những dịch vụ mới sử dụng giao thức SIP. Liệu những ứng dụng mới có được chấp nhận rộng rãi trên thị trường trong nước hay không, điều đó còn phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ. Song theo ý kiến của nhiều chuyên gia, năm 2006 ứng dụng của SIP sẽ chiếm lĩnh ngành công nghệ thông tin, viễn thông Việt Nam bởi những ưu việt mà nó mang đến.

 

Comment (FB), please in:
FlaX

.

Bản quyền © Công ty cổ phần Minh Việt - 2000-2006

Trung tâm Công nghệ thông tin (InteCom)

Địa chỉ: 177 Thanh Nhàn - quận Hai Bà Trưng - Hà Nội

Trụ sở chính: Địa chỉ: Số 72, Ngõ 95/8 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội

VPGD: Địa chỉ: Số 24, Ngõ 95/8 Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội

Tel: (84 4) 9721550 / Fax: (84 4) 8211089

Điện thoại: (844) 35641864  Fax: (844) 35641865

E-mail: automation@minhviet.com.vn; kinhdoanh@minhviet.com.vn